Giáo viên ngộ nhận quyền lực khi lên lớp

Để học sinh vâng lời, yêu mến, giáo viên phải là tấm gương, bạn tốt của học sinh, truyền hứng thú học tập cho học sinh, thay vì dùng quyền uy dọa nạt

Đã có rất nhiều giáo viên bị kỉ luật vì có hành vi ứng xử của giáo viên không phù hợp với môi trường sư phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo, vậy tại sao giáo viên vẫn đi vào vết xe đổ này?

Thầy giáo Ngô Văn Trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Lý do có thể nhiều người dẫn ra là giáo viên thiếu kỹ năng xử lý, nóng giận… Nhưng cá nhân tôi cho rằng, đó là do nhiều giáo viên vẫn ngộ nhận quyền lực.

Đơn cử như vụ học sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) được báo chí phản ánh vừa qua. Giáo viên gì mà lại có hành động túm cổ áo, kéo lê học sinh. Chưa kể, lý do khiến vụ việc xảy ra lại chả liên quan gì đến chuyên môn của cô này.

Thực tế, cô giáo chủ nhiệm làm sao có quyền dọa nạt, chỉ trích học sinh vì lý do làm không đúng ý cô khi đặt bánh sinh nhật tại cơ sở do cô chỉ định?

Không ai có thể chấp nhận được một giáo viên như này, lại còn là giáo viên chủ nhiệm, dạy giáo dục công dân, được cử làm công tác tư vấn học đường. Tôi cũng không biết cô sẽ dạy học sinh gì với các hành vi ứng xử như thế?

Rõ ràng cô giáo coi cái quyền của mình to quá, dọa nạt học sinh, gây bất an cho học sinh.

Trong các trường học hiện nay, dọa hạ bậc hạnh kiểm học sinh là hình thức kỷ luật được giáo viên chủ nhiệm nói riêng, giáo viên nói chung đang sử dụng nhiều nhất.

Đủ thứ hoạt động để thầy cô dọa học sinh hạ bậc hạnh kiểm: không đi lao động, không tham gia hoạt động vẽ tranh, không tham gia các cuộc thi…

Thực tế, giáo viên chủ nhiệm có dám hạ hạnh kiểm của học sinh không? Có, nhưng rất ít, phần lớn tỷ lệ hạnh kiểm tốt, khá, đã nằm trong chỉ tiêu phải đạt từ đầu năm rồi.

Theo tôi, dùng quyền uy giáo viên để dọa học sinh là điều giáo viên không nên làm. Giáo viên phải biết dọa học sinh cũng là một hình thức gây áp lực cho học trò không muốn nói là bạo lực học đường.

Một ví dụ nữa về hành động bạo lực của thầy giáo làm nữ sinh lớp 9 phải tự sát.

Vụ việc xảy ra vào chiều 4/10, nhiều người hốt hoảng khi phát hiện M. (học sinh lớp 9, Trường THCS Bùi Thị Xuân, Nha Trang) rơi tầng 8 chung cư P.H Nha Trang xuống đất tử vong. Trước khi mất, nữ sinh này để lại thư, cùng những tin nhắn với người thân và bạn bè.

Theo nội dung thư và tin nhắn, nữ sinh bị đổ oan về việc ném bóng vào một bạn nữ và khiến bạn phải đi bệnh viện kiểm tra. Nữ sinh sau đó giải thích với các bạn, thầy giáo rằng mình không ném bóng vào bạn. Nhưng thầy giáo dí khăn lau bảng vào mặt M., yêu cầu lên dãy bàn đầu ngồi, khiến em bị áp lực và lo lắng.

Sau sự việc nữ sinh tử vong, lãnh đạo Trường THCS Bùi Thị Xuân tổ chức họp, kiểm điểm đối với giáo viên chủ nhiệm lớp. Trong giải trình, nam giáo viên thừa nhận có yêu cầu em M. xin lỗi bạn cùng lớp về việc ném bóng vào mặt bạn.

Vai trò, vị trí của người thầy trước đây mang tính độc tôn, thầy là tri thức, thầy có quyền ban phát tri thức cho người học, nên trong dân gian có những câu mà ai cũng thuộc lòng: “không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)… Đến khi công thành, doanh toại, người ta cũng nhắc nhau: “Mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”.

Xã hội đã thay đổi, vai trò, vị trí của người thầy cũng đã thay đổi, thầy cô cũng phải tự thay đổi chính mình.

Thầy cô không còn ở vị trí độc tôn, ban phát tri thức nữa, học sinh giờ đây có thể học nhiều nguồn khác nhau, chiếm lĩnh tri thức theo nhiều hình thức khác nhau, kiến thức của học sinh có thể hơn cả thầy. Do đó thầy cô cần tôn trọng học sinh và làm gương bằng hành vi mẫu mực, chuẩn mực của bản thân mình.

You May Also Like

More From Author

+ There are no comments

Add yours